Hồi tháng 7, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng ChatGPT có thể thiết kế từ A-Z một vi mạch đơn giản và có thể sản xuất được trong vòng chưa đầy 100 phút. Theo đó, chatbot AI của OpenAI thực hiện nhiệm vụ trên chỉ bằng cách lời nhắc dạng kí tự được cung cấp bởi con người. Sau đó 2 tháng, một nhóm nghiên cứu khác, gồm những nhân sự đang làm việc tại các trường đại học ở Trung Quốc và Mỹ, đã quyết định tiến thêm một bước khi loại bỏ gần như hoàn toàn con người ra khỏi quá trình sáng tạo.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra ChatDev – một “công ty phát triển phần mềm” cực kỳ đặc biệt khi tập hợp các nhân sự đều là chatbot AI trong ChatGPT (phiên bản GPT-3.5). Bản thân mỗi chatbot sẽ ‘nhập vai’ vào các vị trí thường thấy trong một công ty phần mềm: Từ các chức vụ quản lý cấp cao như Giám đốc điều hành (CEO), Giám đốc kĩ thuật (CTO), Giám đốc sản xuất (CPO), cho đến các vị trí nhân viên như lập trình viên, chuyên viên kiểm định phần mềm, tester và nhân viên thiết kế đồ họa.
Song song đó, mỗi chatbot AI cũng được thiết lập sẵn về vai trò, quyền hạn, trách nhiệm cũng như cách thức giao tiếp với những chatbot khác trong ChatDev – y hệt như cách thức vận hành của một công ty phần mềm (của con người). Ngoài việc thiết lập nói trên, nhóm nghiên cứu gần như không tác động hay can thiệp vào ChatDev trong quá trình phát triển phần mềm.
Sau khi đã sẵn sàng, các nhà nghiên cứu sẽ cung cấp cho ChatDev các nhiệm vụ phát triển phần mềm cụ thể. Tiếp đó, bản thân nhóm chatbot AI này sẽ phải tự đưa ra các giải pháp của riêng mình, bao gồm việc quyết định sử dụng ngôn ngữ lập trình nào, thiết kế giao diện, kiểm tra đầu ra ra sao và đưa ra các chỉnh sửa nếu cần. Cuối cùng các nhà nghiên cứu sẽ đo lường cách ChatDev thực hiện nhiệm vụ, bao gồm độ chính xác và thời gian cần thiết để hoàn thành – thông qua việc theo dõi các đoạn hội thoại được tạo ra giữa các vị trí trong ‘công ty’.
CEO trong mơ của nhiều lập trình viên?
Các bot phải tuân theo quy trình phát triển phần mềm dạng “Thác nước” đã được thiết lập, với các nhiệm vụ được chia nhỏ giữa các pha thiết kế, lập trình, thử nghiệm và ghi lại công việc đã thực hiện, trong đó mỗi chatbot được giao vai trò của mình trong suốt quá trình. Ở đây, mô hình thác nước được hiểu đơn giản là một mô hình phát triển theo tính trình tự. Các pha (phase) ở phía trước sẽ được hoàn thiện trước khi bắt đầu ở pha tiếp theo
ChatDev – công ty phần mềm tập hợp chatbot AI có cách thức vận hành tương tự một công ty phần mềm của con người, với mô hình Thác đổ được sử dụng cho việc phát triển sản phẩm
Trong quá trình quan sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy một điều khá thú vị: CEO của ChatDev gần như ‘vắng bóng’ trong quá trình phát triển phần mềm theo mô hình thác nước. Theo đó, tất cả những gì vị CEO (do AI ‘nhập vai’) của ChatDev làm là cung cấp cung cấp thông tin đầu vào ban đầu và trả lại bản tóm tắt, đồng thời để các lập trình viên và thiết kế yên tâm thực hiện công việc của họ – hoàn toàn không giống trong thế giới thực!
Nói cách khác, đây chính là một vị CEO…trong mơ của rất nhiều nhân viên, khi người đứng đầu công ty không can thiệp vào nhiệm vụ của cấp dưới, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp. Đương nhiên, điều này sẽ hạn chế rất nhiều xung đột trong nội bộ.
Bản thân các cuộc trò chuyện giữa CEO và CTO, hay giữa CTO với lập trình viên là AI cũng diễn ra khá…hòa bình. Các nhiệm vụ từ cấp trên xuống cấp dưới được diễn giải hoàn toàn rành mạch và chi tiết, trong khi nhân viên thường tỏ khá nghe lời trước yêu cầu của ‘sếp’ và ít khi…”bật” lại!
Sau khi giao 70 nhiệm vụ phát triển phần mềm cụ thể cho công ty do AI đảm nhiệm này, nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả bất ngờ. Hơn 86% đoạn mã được tạo ra có thể thực thi một cách hoàn hảo. Khoảng 14% còn lại dễ xảy ra lỗi do các phần phụ thuộc bên ngoài bị hỏng, hoặc do các hạn chế từ API của ChatGPT. Vì vậy, đây không phải là sai sót của phương pháp luận.
Theo ghi nhận, thời gian dài nhất để ChatDev hoàn thành một nhiệm vụ phát triển phần mềm là 10,30 giây, tức là hơn 17 phút một chút — với mức trung bình chỉ là 6 phút 49 giây cho tất cả các nhiệm vụ viết phần mềm có quy mô nhỏ. Để so sánh, các chu kỳ phát triển phần mềm tùy chỉnh truyền thống, ngay cả trong các phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt, thường yêu cầu từ hai đến bốn tuần hoặc thậm chí vài tháng cho mỗi chu kỳ, theo nhóm nghiên cứu.
Đó là chưa kể đến, ngoài việc tiết kiệm thời gian, AI còn giúp tiết kiệm cả chi phí phát triển phần mềm. Theo đó, chi phí cơ bản để chạy mỗi chu trình phát triển phần mềm với AI chỉ là… 1 USD. Ngay cả khi phải tính đến chi phí của quá trình thiết lập và cung cấp thông tin đầu vào cho AI (do con người đảm nhiệm), việc sử dụng AI vẫn thực sự mang đến một món hời.
Tạm biệt các lập trình viên?
Một câu hỏi đặt ra: Nếu AI đã hiệu quả đến vậy, liệu đây đã là hồi kết cho các lập trình viên là con người?
Theo trang Vulcanpost, điều này sẽ sớm xảy ra, nhưng chưa phải lúc này. Ngay cả các tác giả của công trình nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, mặc dù kết quả đầu ra do chatbot tạo ra thường hoạt động tốt nhất, nhưng nó không phải lúc nào cũng chính xác như mong đợi (mặc dù điều đó cũng xảy ra với con người – hãy nghĩ về tất cả những lần bạn làm chính xác những gì khách hàng yêu cầu và họ vẫn tức giận).
Cũng theo nhóm nghiên cứu, các thiết lập khác nhau ở quá trình triển khai có thể thay đổi đáng kể kết quả đầu ra của AI. Trong những trường hợp nghiêm trọng, các phần mềm do AI tạo ra có thể không thể sử dụng được. Nói cách khác, việc thiết lập chatbot một cách chính xác là điều kiện tiên quyết để thành công.
Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các mô hình kết hợp con người và AI, thay vì AI thay thế hoàn toàn. Tất nhiên, điều này sẽ dẫn tới việc trong tương lai không xa, con người sẽ bị giới hạn trong việc chỉ đặt ra các mục tiêu để AI hoàn thành, trong khi việc thành thạo các ngôn ngữ lập trình sẽ hiếm hơn rất nhiều khi AI đã hoàn thành mọi việc.