Đó là chủ đề của Hội thảo do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam và Sika Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về công trình xanh. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh, đơn vị tư vấn… tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Chính Lợi – đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp, xây dựng. Cũng như các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về cạn kiệt năng lượng hóa thạch tác động bất lợi đối với khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hệ quả của hoạt động phát triển kinh tế gây ra.
Vì vậy, việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hướng tới phát triển các công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của các nước, trong đó có Việt Nam.
Công trình xanh trên thế giới được phát triển từ những năm 1990 và trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình và hiện nay đã phát triển trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Còn ở Việt Nam, công trình xanh được phát triển vào những năm 2005 – 2010, và qua trên 10 năm phát triển thì số lượng công trình xanh tính đến thời điểm hiện nay có khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích sàn trên 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó, có một bộ phận không nhỏ các nhà máy được chứng nhận công trình xanh. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 20% các nhà máy ở Việt Nam được chứng nhận công trình xanh.
Bên cạnh chú trọng phát triển công trình xanh dân dụng trong khu vực đô thị thì việc phát triển các nhà máy sản xuất công nghiệp theo hướng công trình xanh cũng là xu thế tất yếu và bắt buộc trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quan điểm mục tiêu, đường lối của Đảng, Chính phủ, đồng thời trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành, lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển hội nhập, có công nghệ hiện đại tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong một số lĩnh vực, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của nền kinh tế cũng như xuất khẩu.
Hướng đến giai đoạn 2035, công nghiệp Việt Nam phát triển với đa số ngành Công nghiệp tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và cạnh tranh bình đẳng trong xu thế hội nhập quốc tế.
Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP21, nhiều chính sách quy định của Nhà nước đã được ban hành như: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng chuyển đổi nền kinh tế thành nền kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và các đề án, nhiệm vụ, giải pháp triển khai để thực hiện Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Ông Đinh Chính Lợi chia sẻ: Trong khuổn khổ tuần lễ công trình xanh 2023, Bộ Xây dựng vui mừng được đồng hành cùng với Hội đồng công trình xanh chia sẻ các nội dung liên quan đến chủ đề “Xanh hóa trong xây dựng nhà máy ở Việt Nam”. Đồng thời, đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của Hội đồng công trình xanh Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới.
Thông qua sự kiện này, các diễn giả sẽ chia sẻ cũng như trao đổi kinh nghiệm trong phát triển các nhà máy xanh, công trình xanh, góp phần tạo ra những hành động thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình phát thải thấp, phát thải ròng bằng 0 trong mục tiêu chung của đất nước.
Tại Hội thảo, đại diện Hội đồng công trình xanh Việt Nam, ông Douglas Snyder – Giám đốc điều hành cũng đã đề cập đến xu hướng và cơ hội phát triển nhà máy xanh bao gồm: Tổng quan về xu hướng, áp lực thị trường và những cơ hội như NZCBs, báo cáo phát thải carbon của EU đối với hàng nhập khẩu, áp lực đầu tư ESG, tín dụng carbon, Chính sách bền vững của MNC và sự di cư quốc tế của ngành sản xuất.
Hội thảo cũng đã lắng nghe các bài tham luận đến từ các diễn giả là các chuyên gia, các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn với những nội dung liên quan như: Thiết kế nhà máy để giảm năng lượng và khí thải; giấy chứng nhận sản xuất và bù đắp năng lượng tái tạo tại chỗ; từ nhà máy lành mạnh đến sản phẩm tốt cho sức khỏe; tối ưu hóa hiệu quả quá trình sản xuất; chứng nhận công trình xanh Lotus cho nhà máy; quy hoạch khu công nghiệp đảm bảo tính bền vững.