Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm, riêng công nghiệp chế biến chế tạo giảm 6,9%. Đây là điều chưa từng có trong cùng kỳ 2 tháng suốt từ năm 2001 đến nay.
Do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng sụt giảm.
Khó khăn chưa từng có trong hơn 2 thập kỷ qua
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ lạm phát cao, tăng trưởng thấp ở nhiều nền kinh tế, cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị khó lường, thì ở Việt Nam thị trường xuất khẩu suy giảm, thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp gia tăng tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong quý 1, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, tạo sức ép cho tăng trưởng cả năm là 6,5%.
Thực tế, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Một khi khu vực này gặp khó, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2023.
Tính chung 2 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm, riêng công nghiệp chế biến chế tạo giảm 6,9%.
“Đây là điều chưa từng có trong cùng kỳ 2 tháng suốt hơn 2 thập kỷ qua, từ 2001 đến nay”
Bộ KH&ĐT thừa nhận.
Tính theo địa phương, thì IIP 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, một số địa phương có IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước như Quảng Nam giảm 38,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 18,2%; Vĩnh Long giảm 15,7%; Sóc Trăng giảm 15,5%; Lai Châu giảm 15,3%; Đà Nẵng giảm 10,4%; Bắc Ninh giảm 9,1%; Quảng Ngãi giảm 8,5%…
Điều này cho thấy, tình hình sản xuất – kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Việc kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, cũng là một chỉ dấu cho thấy, sản xuất công nghiệp trong những tháng tới đây có thể tiếp tục gặp khó khăn.
Nhiều ngành công nghiệp chủ lực đều sụt giảm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực thực phẩm… đều giảm hoặc nếu tăng thì tăng rất thấp, thậm chí ngành thiết bị điện giảm trên 50%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, ô tô giảm 18,3%; thép cán giảm 15,1%; quần áo mặc thường giảm 14,8%; thép thanh, thép góc giảm 13,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,3%; xe máy giảm 12,4%; điện thoại di động giảm 9,6%; sữa bột giảm 7,8%; dầu thô khai thác giảm 5,8%; xi măng giảm 5,6%; điện sản xuất giảm 4,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 4,7%, theo Tổng cục Thống kê.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2023 đạt 47,4 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PMI dưới ngưỡng 50 điểm – ngưỡng sản xuất ổn định. Điều này thể hiện hoạt động sản xuất suy giảm, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng đều giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm, nên sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm theo.

Ngoài ra, tính đến ngày 15/2, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 0,29% so với cuối năm 2022, giảm 11,2%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng 14,5%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng giảm xuống so với trước. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 5,6% không bù đắp được sự suy giảm của các thị trường lớn như: Mỹ giảm 20,4%, Hàn Quốc giảm 5,7%, ASEAN giảm 7,9%, EU giảm 2,6%…
Doanh nghiệp đói vốn, Nhà nước bơm đầu tư công
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá kỹ lưỡng thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhất là áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đang rất lớn.
Một số doanh nghiệp phải tiến hành đàm phán chuyển đổi, gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực nên cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới các ngành và lĩnh vực kinh tế khác.
Cụ thể, cần đánh giá tổng thể một cách kỹ lưỡng thị trường bất động sản với tăng trưởng kinh tế, thị trường tài chính, các ngành, lĩnh vực liên quan để đưa ra chính sách ứng phó kịp thời.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tăng cao, khi lạm phát 2 tháng tăng 5,08%. Đây là mức tăng cao nhất cùng kỳ 2 tháng từ năm 2016 đến nay.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, áp lực cạnh tranh tăng do thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Trong báo cáo của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, cần xác định trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát, đồng thời là cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.
Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định. Cần có ngay các giải pháp về thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân và doanh nghiệp.
Tín hiệu phục hồi?
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng trở lại lên trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm vào tháng 2, từ đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng. Với kết quả 51.2 tăng so với mức 47.4 trong tháng 2 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ.
Dữ liệu mới nhất cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại với sự hỗ trợ của tình trạng tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Nhu cầu cải thiện đã khiến niềm tin kinh doanh tăng lần thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, áp lực chi phí tiếp tục tăng khi giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm ngoái. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng nhanh hơn. Tuy nhiên, năng lực của nhà cung cấp tiếp tục cải thiện
Nhân tố chính dẫn đến cải thiện sức khỏe ngành sản xuất là sự cải thiện của nhu cầu thị trường. Điều này giúp các công ty có được khách hàng mới và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 2, và đây là lần tăng đầu tiên trong bốn tháng. Hơn nữa, mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới là mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn, và đây là lần tăng thứ hai liên tiếp nhờ nhu cầu trên thị trường quốc tế cải thiện. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khiến sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng vào thời điểm giữa quý đầu của năm. Sản lượng tăng nhẹ nhưng là một bước cải thiện đáng kể so với những mức giảm mạnh trong thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Dữ liệu thống kê cho thấy sản lượng tăng chủ yếu ở các nhà sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản. Cả việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng lần đầu trong bốn tháng trong tháng 2, và mức tăng chỉ là nhẹ, giúp các công ty giải quyết tốt lượng công việc cần thực hiện.Trong bối cảnh nhu cầu thị trường cải thiện và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, mức độ lạc quan về triển vọng sản lượng trong một năm tới tiếp tục tăng. Tâm lý kinh doanh đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Niềm tin kinh doanh đạt mức cao hơn trung bình của lịch sử chỉ số.
Nguồn: FactoryTalk.VN tổng hợp từ Tổng Cục Thống Kê, Cục Hải Quan, và Báo Sputniknews